Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Tết

Tết ! -
Ơ thế thêm một Tết !
Tôi
quẳng nó
vu vơ
vào một xó lòng

Một năm nữa mày có buồn như vậy không. Mười năm nữa mày có buồn như vậy không. Hoa ban, một nghìn năm nữa mày có trắng như vậy không. Người mười năm cũ.

Ở tuổi 20, anh đã biết rằng đâu đó trên thế giới sẽ có một điểm sáng chờ đợi anh. Anh chỉ còn phải tìm nó, đốt cháy mình và biến mất trong ánh sáng của nó. Một thứ ánh sáng huy hoàng mà cả thế giới phải ghen tỵ. Người thủy thủ bị biển khước từ.

30 tuổi, anh vẫn sống như thế và hiểu rằng con tàu đã khởi hành và anh không có tên trên đó. Một nỗi buồn rỗng, không nội dung.

Tôi chẳng mang sang gì cả
nỗi buồn ga cuối còn nguyên

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Những đứa trẻ sau hồi chuông nửa đêm

Lũ trẻ con tập vở kịch sự tích Giê-su ra đời.
Cô giáo đọc cho chúng nghe Ma-thi-ơ 2:1-22.
Rồi đứa đẹp trai nhất làm Giô-sép,
đứa trắng trẻo nhất làm Ma-ri,
đứa nhỏ con nhất làm Chúa Giê-su hài đồng,
đứa thông minh nhất làm thiên sứ,
ba đứa da sậm màu làm ba vua từ Đông phương,
đứa cao lớn nhất làm vua Hê-rốt,
những đứa trịnh trọng thì làm những thầy tế lễ cả,
những đứa thích đánh nhau thì làm lính cho vua,
và tất cả những đứa còn lại thì làm trẻ con ở thành Bết-lê-hem.
Lũ trẻ con theo từng đoạn trong Ma-thi-ơ mà đóng kịch.
Kịch rất dễ đóng.
Hồi hộp nhất nhưng vui nhất là đoạn Giô-sép đem Ma-ri và hài nhi vượt biên sang Ai-cập.
Tất cả lũ trẻ con đều đòi cùng vượt biên nhưng không được phép.
Khó diễn nhất là đoạn lính của Hê-rốt lùng giết hết trẻ con ở thành Bết-lê-hem sau lúc nửa đêm.
Cô giáo không biết phải làm cảnh máu chảy như thế nào.
Tôi bảo cô giáo phát cho bọn lính những chiếc khăn quàng đỏ.
Khi chúng quàng vào cổ đứa trẻ nào thì đứa ấy ngã xuống chết như bị cắt cổ.
Đoạn ấy diễn ra thật rùng rợn. Từng đàn trẻ con cổ đỏ ối nằm ngổn ngang trên sân khấu.
Trong đêm văn nghệ Giáng Sinh, vở kịch diễn rất thành công.
Tất cả khán giả đều xúc động và vỗ tay ngợi khen nhiệt liệt.
Sau đêm diễn, lũ trẻ con cởi trả lại những khăn quàng đỏ.
Cô giáo bảo chúng cứ giữ lấy những khăn ấy để làm kỷ niệm.
Tôi bảo chúng đừng giữ làm gì, vì đó là máu của trẻ con bị lính của Hê-rốt cắt cổ.
Có những đứa cởi trả lại ngay, có những đứa nằng nặc giữ lấy.
Khi chuông nhà thờ rộn rã vang lên vào lúc nửa đêm, nước mắt tôi tuôn đầy trên má.
Tôi biết những đứa trẻ con giữ lấy khăn quàng đỏ sẽ bị lính của Hê-rốt lần lượt cắt cổ trong giấc chiêm bao.
Chắc không còn đứa nào thức dậy vào sáng hôm sau để mở những gói quà đầy đồ chơi và kẹo ngọt.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Muôn dặm không mây

Thiên gian hữu thủy thiên gian nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên


Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời


Ngàn sông ngàn nước ngàn trăng chiếu
Muôn dặm không mây muôn dặm trời

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Bài thơ của một người yêu nước mình

buổi sáng tôi mặc áo đi giầy ra đứng ngoài đường
gió thổi những bông mía trắng bên sông
mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
tôi yêu đất nước này như thế
mỗi buổi mai
bầy chim sẻ ngoài sân
gió mát và trong
đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
một vết bùn khô trên mặt đá
không có ai chia tay
cũng nhớ một tiếng còi tàu

mẹ tôi thức khuya dậy sớm
năm nay ngoài năm mươi tuổi
chồng chết đã mười mấy năm
thủa tôi mới đọc được i tờ
mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
nước sông gạo chợ
ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ

sống qua ngày nên phải nghiến răng
cũng không vui nên mẹ ít khi cười
những buổi trưa buổi tối
ngồi một mình hay khóc
vẫn thở dài mà không nói ra
thương con không cha
hẩm hiu côi cút

tôi yêu đất nước này xót xa
mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
thương tôi nên ở goá nuôi tôi
những đứa bà con hằng ngày chửi bới
chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi
ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới

thắp ba cây hương
với mấy cái bông hải đường
mẹ tôi khóc thút thít
cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
con nó còn nhỏ dại
trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng

tôi yêu đất nước này cay đắng
những năm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau hột muối

vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời

tôi yêu đất nước này khôn nguôi
tôi yêu mẹ tôi áo rách
chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiê

tôi bước đi
mưa mỗi lúc một to
sao hôm nay lòng thấy chật
như buổi sáng mùa đông chưa có mặt trời mọc
con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
nỗi mệt mỏi rưng rưng từng con nước
chim đậu trên cành chim không hót
khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may

tôi yêu đất nước này những buổi sớm mai
không ai cười không tiếng hát trẻ con
đất đá cỏ cây ơi
mười ba năm có héo mòn

đất đá cỏ cây ơi

lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
ăn quán nằm cầu
hai hàng nước mắt chảy ra
mỗi đêm cầu trời khấn Phật tai qua nạn khỏi
ngày mai mua may bán đắt

tôi yêu đất nước này áo rách
căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai

tôi yêu đất nước này như thế
như yêu cây cỏ trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
yêu một giọng hát hay
có bài mái đẩy thơm hoa dại
có sáu câu vọng cổ chứa chan
có ba ông táo thờ trong bếp
và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen

tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
trong bước chân chim sẻ
ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
hay nói chuyện huyên thuyên
chuyện trên trời dưới đất rất lạ
chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
cứ hay cười mà không biết có người buồn

sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
ngó cây cam cây cải
thương mẹ già như chuối ba hương
em chưa buồn vì chưa rách áo

tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
áo đứt nút qua cầu gió bay

tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan

tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
ăn rau rìu rau éo rau trai
nuôi lớn người từ ngày mở đất
bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
một tiếng nói cũng đầy hồn thánh Gióng

tôi đi hết một ngày
gặp toàn người lạ
chưa ai biết chưa ai quen
không biết tuổi không biết tên
cùng sống chung trên đất
cùng nỗi đau chia cắt bắc nam
cùng có chung tên gọi Việt Nam
mang vết thương chảy máu ngoài tim
cùng nhức nhối với người chết oan ức
đấm ngực giận hờn tức tối
cùng anh em cất cao tiếng nói
bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
bữa ăn nào cũng phải được no
mùa lạnh phải có áo ấm

được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
được thờ cúng những người mình tôn kính
hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định

tôi trở về căn nhà nhỏ
đèn thắp ngọn lù mù
gió thổi trong lá cây xào xạc
vườn đêm thơm mát
bát canh rau dền có ớt chìa vôi
bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
mẹ bồng con lên non ngồi cầu ái tử

đất nước hôm nay đã thấm hồn người
ve sắp kêu mùa hạ
nên không còn mấy thu
đất nước này còn chua xót
nên trông ngày thống nhất
cho người bên kia không gọi người bên này là người miền nam
cho người bên này không gọi người bên kia là người miền bắc
lòng vui hôm nay không thấy chật

tôi yêu đất nước này chân thật
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
và yêu tôi đã biết làm người
cứ trông đất nước mình thống nhất

19–12–1967

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Dưỡng Sinh Nhu Quyền (Vĩnh Xuân dòng cụ Quí)

Bài viết rất cũ của bạn yuyu trên langven về Dưỡng Sinh Nhu Quyền (Vĩnh Xuân dòng cụ Quí). Được viết vào thời kỳ "tiền chiến" của Internet tại Việt Nam cho nên độ chân thực của bài viết không cần phải bàn. Tuy nhiên, tác giả vẫn có mắc một lỗi lớn khi chép tên cụ Ngô Sỹ Quí thành Ngô Vĩnh Quí (đã lược bỏ ở đây). Nay chép lại đây để có thêm một cái nhìn về Vĩnh Xuân.

Nguyên tắc của Vĩnh Xuân là "Dĩ Nhu Chế Cương", nhung không phải là không có Cương như nhiều người nhầm tưởng m
à là "Cương Nhu Phối Triệt " nghĩa là Kết Hợp nhuần nhuyễn Cương - Nhu một cách Triệt Để và Hiệu Quả nhất.
Triết Lý xuyên suốt của Phật Gia Vĩnh Xuân là những nguyên lý triết học của Lão và Phật Giáo.
Vĩnh Xuân không chủ trương bạo lực, không tranh hơn thua ...Nghĩa là đứng trước đối thủ , môn sinh Vĩnh Xuân không tấn công trước, không tìm cách triệt hạ đối thủ mà họ chủ trương Hoá Giải Mâu Thuẫn trước tiên, nếu không hiệu quả, buộc phải động thủ thì họ chủ trương Hoá Giải Đòn Thế và Triệt Tiêu Sức Mạnh (chứ không triệt hạ) đối thủ theo đúng nguyên lý "Dĩ Nhu Chế Cương "và "Ác Giả Ác Báo" .
Với nguyên tắc này, Vĩnh Xuân không tham gia thi đấu, để tranh hơn thua, nhưng hễ đã động thủ thì bất khả chiến bại, nghĩa là luôn luôn thắng .
Bạn hãy quan sát những hiện tượng thiên nhiên như sau : Một cơn bão lớn quét qua một khu rừng . Tất cả (hoặc hầu như tất cả) các cây đại thụ lừng lững đều bị quật ngã ...duy chỉ có cây liễu mảnh mai, hay cây cỏ may mềm mại là vẫn đứng vững ....Vì sao ? Đấy là bởi vì Dĩ Nhu Chế Cuơng. Cây Liễu và cây Cỏ May đã Hoá Giải được sức mạnh kinh hồn của trận cuồng phong và Triệt Tiêu nó gần như hoàn toàn, nên đã trụ vững , trong khi các hảo hán sơn lâm đều bị gục ngã !
Một chân lý kỳ diệu như vậy của thiên nhiên, nếu được áp dụng vào võ thuật thì hay biết bao nhiêu ? Và Vĩnh Xuân là môn phái áp dụng triệt để nhất nguyên lý Nhu vào trong Võ Thuật !
Vì thế môn võ này là lý tưởng cho phụ nữ và những người nhỏ yếu luyện tập vừa có lợi cho sức khoẻ vừa hiệu quả để tự vệ ....Nhưng bạn thử tưởng tượng, một phụ nữ nhỏ yếu mà còn có thể tự vệ hiệu quả trước một đối thủ to khoẻ hơn nhiều lần thì một người vốn dĩ bẩm sinh to lớn khoẻ mạnh mẽ lại được tranh bị Vĩnh Xuân thì hiệu quả lớn đến đâu ? Điều đó cho thấy, tuy chẳng thi đấu, nhưng Vĩnh Xuân gần như vô định, nếu mang ra tranh thắng ....
Phương pháp Hoá Giải và Triệt Tiêu của Vĩnh Xuân là gì ?
Nói một cách đơn giản thì đó là các kỹ thuật Quấn Dính và Xoay Vòng !
Nói đến Xoay Vòng thì những ai tập Akido đều biết : Dùng các kỹ thuật Xoay, Trượt và Xoay Vòng, Hiệp Khí Đạo đã chẳng những Triệt Tiêu được sức mạnh của địch mà lại còn dùng sức địch đánh địch ! Gặp một võ sĩ Akido, đối phương , dù mạnh đến mấy, nhưng hễ lao vào tấn công là cứ bị trôi tuột đi, xoay vòng và ngã lăn queo đủ mọi cách trong khi võ sĩ Hiệp Khí Đạo gần như không thấy động thủ !
Chiêu thức kỳ diệu và kỳ quái này Hiệp Khí Đạo đã học nguyên si từ Vĩnh Xuân !
Tuy nhiên còn một chiêu thức kỳ diệu mà kỳ quái nữa, đặc trưng của Vĩnh Xuân mà không một môn phái nào có được, đó là Quấn Dính !
Nghĩa là sao ?
Nghĩa là nếu gặp một cao thủ Vĩnh Xuân, đối phương chỉ có hai cách để chịu ....thua ! Hoặc là Dĩ Hoà Vi Quí, Hoà Giải ngay từ đầu - điều mà các võ sĩ Vĩnh Xuân luôn khuyến khích, rút lại lời tuyên chiến, hoặc là bị Hoá Giải trong trạng thái Quấn Dính như Hình với Bóng không cách nào phản công cho đến khi được tha !
Như vậy ngoài kỹ thuật xoay vòng, cương nhu phối triệt để hoá giải đòn thế đối phương, Vĩnh Xuân sử dụng kỹ thuật Quấn Dính để bám sát đối phương đến mức đối phương hoàn toàn bất lực không thể ra đòn, phản đòn và mọi đòn đánh cương, trường và cường cực mạnh đều trở nên vô dụng !
Vì thế có thể nói Thủ Pháp của Vĩnh Xuân cực kỳ lợi hại và kỳ quái vì như là vô chiêu diệt hữu chiêu, bất chiến tự nhiên thành. Hoá ra trong võ thuật, không phải cứ đánh được đối thủ là giỏi là hay mà phải làm thế nào đối thủ không đánh được mình nữa mới càng giỏi càng hay.
Đấy chính là nguyên tắc tu hành của Phật tử: Từ bi, không gây ác với tha nhân, nhưng trong đời nếu gặp kẻ ác, buộc phải động thủ để tự vệ thì sẽ trước tiên hoà giải mâu thuẫn, rồi hoá giải mâu thuẫn, vô hiệu hoá cái ác, khuất phục, tiến tới cảm phục cái ác cải tà qui chính ...đấy chính là cái hay của triết lý Vĩnh Xuân Phật Gia . ...
Triết lý này của Vĩnh Xuân đã được bỉ nhân đưa và o 2 câu chuyện ngụ ngôn Sự Tích Cỏ May và Con Ngựa Bất Kham.
Về các bài tập cơ bản thì Vĩnh Xuân nhập môn bao giờ cũng có bài 108 cơ bản tập song song vớI các bài luyện mềm dẻo cơ khớp, xoay chân xoay người, du đẩy, bật, quấn dính và luyện khí, dịnh thần như hầu hết các môn kung fu khác. Sau đó se học dần Ngũ Hình tuỳ căn cơ môn sinh mà đi từ dễ đến khó ....
Ngũ Hình của Vĩnh Xuân cũng tiêu biểu cho 5 đặc tính của môn phái và lấy 5 con vật đặc trưng :
Long, Xà, Hổ , Báo, Hạc .
Trong đó :
Long tượng trưng cho Cương
Xà tượng trưng cho Nhu
Hổ tượng trưng cho Dũng
Báo tượng trưng cho Trí
Hạc tượng trưng cho Tĩnh
Nhưng trong Vĩnh Xuân yếu tố Nhu và Tĩnh được đặt lên hàng đầu để đối phó với yếu tố Cương và Động .
Vì thế hình biểu tượng ngày nay của Vĩnh Xuân Quyền ( dướI tên mới là Dưỡng Sinh Nhu Quyền ) là hình Xà (Nhu) quấn quanh chân Hạc (Tĩnh).

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Vài lời góp về thơ và đời Hồ Xuân Hương (phần 1)

Dưới đây bài viết của bác tôi mà tôi được tham gia đánh máy và biên tập. Nay lưu lại trên blog để tham khảo sau này. Xin ghi chú thêm: những chữ trong ngoặc là lời thơ đang lưu truyền hiện nay.


Tôi là người rất thích và khâm phục thơ, và qua thơ càng khâm phục khí phách của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Từ bé đã được các tiền nhân trong nhà đọc cho nghe các bài thơ của bà. Rồi lớn lên, những lúc có dịp đã lần theo vết của nhà thơ, qua các địa diểm mà nhà thơ đã đối cảnh sinh tình, sáng tác các bài thơ có thể nói là nghìn năm bia miệng còn mãi với non sông nước Việt. Đến mỗi nơi tôi đều cố tìm hiểu qua các cố lão (vùng Bưởi, Thuỵ khuê, vùng Hà nam, Ninh bình, vùng Sài sơn chùa Thầy, vùng Quảng Yên, Yên tử .. v..v..), xin các vị nhớ lại đọc và kể cho nghe các bài thơ của bà chúa thơ nôm, cùng các truyền thuyết trong dân gian về hoàn cảnh của bà, xuất xứ của bài thơ. Cho đến nay đã mấy chục năm qua tôi vẫn còn nhớ rõ.

Được đọc trang thơ của các báo điện tử (như VDC, Đặc Trưng), cũng như gần đây được đọc các bài viết và các sách nói về thơ và cuộc đời của bà Hồ Xuân Hương do: Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin (Tác giả: Mã giang Lân-Hà Vinh tuyển chọn. Tên sách: Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm); Nhà xuất bản Văn học (Tác giả: ông Dzuy Dzao. Tên sách: Sự thật về đời và thơ Hồ Xuân Hương); Nhà xuất bản Đồng nai (Tên sách: Hồ Xuân Hương Thơ) phát hành; Nhận định về Hồ xuân Hương của một số hiền nhân quân tử như các ông : Trần thanh Mại , Hoàng xuân Hãn , Phạm trọng Chánh v…v… Tôi thấy cần thiết phải trình bầy một vài ý kiến về Thơ và về cuộc đời của Bà chúa thơ Nôm. Cũng có thể có khác với các ý kiến của các bậc hiền nhân quân tử, nhưng nghĩ rằng thêm một tiếng chuông về vấn đề này, giúp tí chút cho công việc nghiên cứu sưu tầm về bà trong hiện tại, hoặc giúp cho con cháu chúng ta sau này rộng đường suy xét thêm cũng không phải là vô ích.


A. Xem lại các bài thơ theo trang thơ Hồ Xuân Hương của các sách báo thấy:


1. Bài Không chồng mà chửa. Có mấy chỗ khác, xin ghi như sau:


Cả nể xui nên chuyện lỡ làng (dở dang)

Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc

Phận liễu sao đà nảy nách (nét) ngang

Cái nghĩa trăm năm chàng bỏ mặc (nhớ chửa)

Mảnh tình một khối thiếp xin mang

Quản bao miệng thế lời chênh lệch

Không có nhưng mà có mới ngoan


Vì cả nể nên mới lỡ làng mà có chửa bụng to chứ đâu có dở dang. Nách chữ liễu (chữ Hán) nảy ngang mới là chữ tử chứ ngang ở chỗ khác thì không phải chữ tử rồi. Chàng đã bỏ mặc không cưới xin gì cả. Chứ nhắc chàng nhớ chửa để làm gì?


2. Bài Mắng học trò dốt. Bài này có 4 câu mà không rõ nghĩa, còn thiếu gì đó? Theo tôi được biết thì bài này có tên là: Nhắn học trò đi thi. Nguyên văn như sau:


Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dậy đi thi (làm thơ)

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Văn chương chép lại văn chương cũ

Chữ nghĩa sao bừa chữ nghĩa xưa

Quân tử hiền nhân đều thế cả

Cũng thì thi đỗ hưởng ơn vua


Ong non thì nên châm vào hoa rữa nó mềm, dê còn nhỏ thi húc vao dậu thưa thì dễ đổ hơn. Phải biết tuỳ thời liệu sức. Quân tử hiền nhân đều thế cả mà. Nhân bài này xin trình bầy luôn một bài nữa cũng có đầu đề là: Mắng học trò dốt. Bài này có một số chữ khác xin ghi như sau:


Dắt díu nhau khoe đạo thánh hiền

(Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền)

Cũng đòi học nói nói không nên

Ai về nhắn bảo phường lòi tói

Muốn đỗ chăm lên quét cửa đền

(Muốn sống đem vôi quét trả đền)


Cửa đền đây là đền thờ Khổng tử, cũng còn gọi là Văn miếu. Những bậc văn chương lòi tói (văn chương lòng thòng xoắn xít như dây lòi tói, văn chương trói buộc bằng giây lòi tói, hoặc những kẻ được quyền dùng giây lòi tói để trói người khác cũng được) hãy chăm lên quét cửa đền, được Thánh và các quan thương thì mới có thể đỗ được chứ,cái đạo là thế đó chứ có can chi đến chùa chiền, mà nói chứ có viết đâu, tại sao phải đem vôi quét trả đền? Đền cái gì? Đền nào? Tôi muốn lấy câu của cụ Lê quý Đôn mà ghi thêm vào đây là: Bà Hồ nghĩ đã đến vậy (mạn phép thay bà già bằng bà Hồ). Thế mà thật oan cho cái cửa chiền nào đó quá. Có người lại còn dựng lên cảnh bà Hồ cùng thân mẫu đi lễ chùa (?) gặp đám học trò, học nói cái gì mà nói không nên, không thấy ghi rõ, lại bảo đó là Sự thât về Thơ và Đời của bà Hỗ Xuân Hương thì thật là quá quẩn.


3. Bài Đề tranh Tố nữ. Có mấy chỗ khác xin ghi như sau:


Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình

Chị cũng xinh mà em cũng xinh

Đôi lứa như in trang giấy trắng

Một em thắm mãi tuổi xuân xanh

(Ngàn năm còn thắm cái xuân xanh)

Xiếu mai chi dám tình giăng gió

Bồ liễu đã đành phận mỏng manh

Còn những thú vui thì chẳng biết

(Còn thú vui kia sao chẳng vẽ)

Chị vô tình em cũng vô tình

(Trách người thợ vẽ khéo vô tình)


Em còn thắm mãi tuổi xuân xanh nhưng vô tình, còn chị thì cũng vô tình nốt. Anh thợ vẽ thì kệ anh ta trách anh ta làm gì ? Có trách thì trách Trời già hay trẻ Tạo, trách các hiền nhân quân tử nào che đầu, nào phì phạch, nào hì hục trèo, một lũ ong non ngứa nọc, dê cỏn buồn sừng, kẻ xấu máu coi mình là chính thống mới đúng. Nhưng nghĩ lại chẳng nên trách mà ngán. Ngán nỗi đời, ngán nỗi mình, nỗi chị em mình, ngán cho người và ngán con Tạo nữa chứ.


4. Bài Hỏi trăng. Có mấy chỗ khác xin ghi như sau:


Một trái trăng thu chín mõm mòm

Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom

Giữa in chiếc bích khuôn còn méo

Ngoài khép hai cung cánh vẫn khòm

Gớm mặt hiền nhân (kẻ trần) ưa xói móc

Ghê gan quân tử (thằng Cuội) cúi lom khom

Hỏi người bẻ quế là ai đó

Thấy chị Hằng nga chớ có dòm


Phải là hiền nhân quân tử mới thích xói móc và bẻ quế chứ. Bẻ cành quế có ý nói đi thi để đỗ ra làm quan mà, và vì vậy mới phải cúi lom khom chứ. Muốn thi đỗ thì có thấy chị Hằng nga thì cũng đừng dòm. Vì dòm vào là quên hết chữ nghĩa đấy. Câu này lấy ý từ câu ca dao:

Văn chương chữ nghĩa bề bề

Thần l.... ám ảnh cũng mê mẩn đời

Chị Hằng nga hơi đâu mà ghé mắt dòm. Những người quân tử, chân mình thì lấm bê bê, lại đổ cho ngưòi. Đúng là quân tử thứ thiệt.


5. Bài Đèo Ba dội. Có mấy chỗ khác xin ghi như sau:


Đèo một (Một đèo) một đèo lại một đèo

Khen ai khéo vượt (tạc) cảnh cheo leo

Đất gồ mấy giải um tùm móc

(Cửa son đỏ loét um tùm nóc)

Đá kẹt mươi hòn lún phún rêu

(Hòn đá xanh rì lún phún rêu)

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc

Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo

Hiền nhân quân tử ai là chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo


Khen các hiền nhân quân tử vượt qua đèo Ba dội để vào kinh đi thi, hết lần này đến lần khác vẫn cứ muốn trèo,và trèo cái gì nữa nhỉ ? Quân tử nào mà chả muốn và muốn mãi. Cho đến ngày nay cũng nhiều hiền nhân quân tử kiểu này. Những hiền nhân quân tử nhất ngôn ấy mà, mở miệng ra là như thánh như thần... Ca dao dân gian có câu:

Tưởng rằng quân tử nhất ngôn

Ai ngờ quân tử sờ l.... hai tay

Hoặc:

Ban ngày quân tử (quan lớn) như thần

Ban đêm quân tử (quan lớn) tần mần như ma

Đèo Ba dội chưa bao giờ có cửa xây sơn son cả. Bà Hồ không bao giờ nói cái gì không có.


6. Bài Đá ông chồng bà chồng. Có mấy chữ khác xin ghi như sau:


Khéo khéo bầy trò trẻ hoá công

(Khéo léo bày trò tạo hoá công)

Ông chồng đã vậy lại bà chồng

Từng trên tuyết điểm phơ đầu bạc

Thớt dưới sương pha đượm má hồng

Gan nghĩa giãi ra cùng nhật nguyệt

Khối tình cọ mãi với non sông

Đá kia còn biết xuân già dặn

Chả trách người ta lúc trẻ trung


Hoá công bầy trò trẻ. Hoá công cũng chỉ là đứa trẻ con thôi. Thường dùng trẻ Tạo, con Tạo, Hoá công, chứ ít ai dùng : Tạo hoá công. Chữ nghĩa cầu kỳ khác lạ với cách dùng chữ của bà Hồ là chính xác rất nhuần nhuyễn ngôn ngữ dân gian.


7. Bài Miếng trầu, cũng có tên khác là Mời trầu. Có mấy chữ khác xin ghi:


Quả cau nho nhỏ lá trầu tươi (miếng trầu hôi)

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi


Miếng trầu mời trân trọng với cả mọi người của cô chủ quán Xuân Hương. Đừng gieo tiếng oan cho bà mà tội nghiệp. Miếng trầu hôi thì cần gì phải quệt nữa, và có phải duyên cũng chẳng thắm được, cái đó ai cũng rõ, huống chi bà Hồ.Cau nho nhỏ là cau ngon (quả cau nho nhỏ cái vỏ vân vân...) khác với cau nhỏ có thể không ngon.


8. Bài Bánh trôi nước. Đầu đề khác là Bánh trôi, hoặc Vịnh bánh trôi. Có mấy chữ khác xin ghi:


Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Lớn nhỏ (rắn nát) mặc dầu tay kẻ nặn

Còn em vẫn giữ tấm lòng son


Có loại bánh trôi khô nữa không nhỉ? Tôi nghĩ nói bánh trôi là đủ. Nặn thì có lớn, có nhỏ. Còn rắn nát thì phải là kẻ trộn bột chứ? Thân em làm vợ lớn hay vợ nhỏ, chứ nát bấy ra (vợ khắp người ta) thì sao giữ được lòng son.


9. Bài Chùa Quán sứ. Có vài chữ khác xin ghi:


Quán sứ sao mà cảnh vắng teo

Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo

Chày kình tiểu để xuông không đấm

Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo

Sáng banh không kẻ khua tang mít

Trưa trật nào ai móc kẽ rêu

Cha kiếp đường tu sao lắt léo

Cảnh thiền (buồn) thêm ngán nợ tình đeo


Thấy cảnh thiền như vậy thêm ngán cho những kẻ tu hành, ngán cho cả những ai đeo nợ tình nữa. Ngán thật và cảnh buồn chưa chắc đã ngán. Dân gian đã bỏ dấu sắc của tên chùa nay gọi là chùa Quan sư.


10. Bài Kẽm trống. Có một câu thiếu và vài chữ khác xin ghi:


Hai bên thì núi giữa thì sông

Có phải đây là Kẽm trống không

Gió giật sườn non khua lắc cắc (câu thiếu)

Sóng dồn mặt nước vỗ long bong

Ơ trong eo (hang) núi còn hơi hẹp

Ra khỏi đầu non đã rộng thùng

Qua cửa ai ơi dừng lại ngắm (mình ơi nên ngắm lại)

Kìa kìa cô gái dáng (nào ai có biết nỗi) bưng bồng


Qua Kẽm trống nhìn ngược lại thấy hình núi đá giống như cô gái có bụng chửa (bưng bồng, bưng trống). Hòn núi đó còn có tên là: Ngọc nữ phong, trong vùng núi đá vôi giữa hai tỉnh Hà nam và Ninh bình.


11. Bài Quán Khánh, còn có tên là Quán dốc. Có vài chữ khác xin ghi:


Đứng chéo trông lên cảnh hắt heo

Đường đi xiên xẹo quán cô liêu (cheo leo)

Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác

Xỏ kẽ kèo tre đốt khẳng kheo

Ba chạc cây xanh hình uốn éo

Một làn (dòng) nước bạc (biếc) cảnh leo teo

Mảng vui quên cả làng quê cũ

(Mải vui quên cả niềm lo cũ)

Kìa sáo diều ai nó vẫn reo

(Kìa cái diều ai nó lộn lèo)


Mọi chú thích đều ghi là: Quán khánh vùng Thanh hoá. Nhưng theo các cố lão vùng Thuỵ Khuê, Bưởi thì chính là cái quán của bà Hồ xưa ở dốc Tam đa (phường Khán xuân) trông xuống làng Thuỵ khuê và trông xa ra là hồ Tây. Ba chạc cây xanh là ba cây đa (tam đa), một làn nước bạc là hồ Tây. Quan họ có bài hát : Trèo lên quán dốc ngồi gốc cây đa là một biểu tượng thường hay gặp ở miền Bắc Việt nam. Niềm lo cũ: có gì đâu mà phải lo. Tiếng sáo reo vui đón ngươì lại về thăm quê cũ, chứ cái diều không phải là cái buồm, mà có giây lèo để lộn như ông Xuân diệu tâm đắc mà bảo là cả cái xã hội nó cũng như vậy.


12. Bài Đề đền Sầm nghi Đống. Có vài chữ khác xin ghi:


Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

Đề đền thái thú gió đưa xiêu

(Kìa đền thái thú đứng cheo leo)

Ví đây đổi phận làm trai được

Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu


Cái đền thái thú cũ này ở gần gò Đống đa, chẳng cheo leo như đèo Ba dội được.


13. Bài Vịnh cái giếng, có bản ghi Giếng thơi, có bản ghi Cái giếng của nhà ông. Có một vài câu chữ khác xin ghi:


Ngõ ngay ăn thẳng (thăm thẳm) tới nhà ông

Giếng tốt thanh tân (thảnh thơi) giếng lạ lùng

Bờ cạp cong cong đôi ván ghép

(Cầu trắng phau phau đôi ván ghép)

Giữa sâu thăm thẳm một đường thông

(Nước trong leo lẻo một dòng thông)

Cỏ gà lún phún leo quanh mép

Con diếc le te rạch ngược dòng

Giếng ấy thảnh thơi (thanh tân) ai chả biết

Khéo không có kẻ thả đòng đòng

(Đố ai dám thả nạ dòng dòng)


Đúng là cái giếng của nhà ông và thực là cái giếng, chứ không thể nhầm sang cái ao hoặc là cái khe, như một số bản ghi (Cầu trắng phau phau.. Nước trong leo lẻo..). Thả đòng đòng (nòng nọc) vào cái giếng ấy chứ: thả nạ dòng dòng, thì thật không hiểu là cái gì được đây? Cá diếc rạch ngược, hoặc cá rô rạch ngược: cái hình tượng sinh động biết bao?


14. Bài Hang Cắc cớ. Có một vài chữ khác xin ghi:


Rõ khéo trời già cũng dở dom

(Trời đất sinh ra đá một chòm)

Nứt ra một lỗ (Nứt làm hai mảnh) hỏm hòm hom

Kẽ hầm rêu mọc trơ toen hoẻn

Sườn đá (luồng gió) thông reo vỗ phập phòm

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm

Con đường vô định (ngạn) tối om om

Khen ai đeo đá tài bưng bít (xuyên tạc)

Chót (khéo) hớ hênh ra lắm kẻ dòm


Tên là hang Cắc cớ, đúng là cắc cớ thực. Theo lời kể dân gian vùng này thì: Có kẻ đeo đá (Cái kiếp tu hành nặng như đeo đá vậy) đã cùng ai đó vào hang để hữu tình,và con đường sắc không vô định mới tối om om, và rồi thì bưng bít xuyên tạc nhưng vẫn chót hớ hênh ra nên mới thât là Cắc cớ. Cho nên mới có câu: Hội chùa Thày có hang Cắc cớ. Trai không vợ (không phải là chưa vợ. để chỉ kể tu hành) lại nhớ chùa Thày. Nếu trai chưa vợ thì đâu chỉ có nhớ có một chùa Thày mà còn nhiều nơi khác như: Dã La; Hội rước Nõn Nường... nữa chứ. Thế mới biết Trời cũng dở dom vậy. Ngờ rằng có sự đánh tráo mấy câu ở bài này và thêm vào mấy câu câu sặc mùi vị quân tử như: ..khéo khéo phòm, ..con thuyền vô trạo mà lại cúi lom khom, ..rồi lâm tuyền, phồn hoa... để lấy tên là Động Hương tích đọc lên thấy kệch cỡm, chắp vá, khác xa với bài Hang Cắc cớ, Hang Sư hoá. Xin để tồn nghi.


15. Bài Hang Thánh hoá, cũng có bản ghi Hang Từ hoá.


Khen cho con tạo cũng khôn phàm

Một đố giương ra biết mấy ngàm (ngoàm)

Lườn đất cỏ leo sờ rậm rạp

Lách khe đá mọc (nước rỉ) mó lam nham

Một ông(sư) đầu trọc ngồi trông (khua) mõ

Hai tướng bụng tròn đứng giữ am

(Hai tiểu lưng tròn đứng giữa am)

Hỏi ra mới biết hang Từ hoá

(Đến đây mới biết hang thánh hoá)

Có thế thôi thì cũng chẳng ham

(Chồn chân mỏi gối vẫn còn ham)


Đã có hang Cắc cớ lại hang Từ hoá, đúng là nhiều ngàm thực.Các hiền nhân quân tử chắc thích cái ông Từ đạo Hạnh này nên mới tôn lên là thánh. Cái ông thánh này chưa hết lòng trần nên mới ghen tỵ với nhà sư Nguyễn minh Không, hoá hổ để doạ, nào ngờ chuốc lấy quả báo. Rồi cố mượn cửa nhà vua để tránh mà cũng không nổi, đành lại phải được nhà sư Không Lộ (tức sư Nguyễn minh Không đắc đạo) giải oan cho. Nhưng rồi lại chứng nào tật ấy, trọn đời sắc dục, hưởng thú vinh hoa, trong cái lốt một ông vua gần cuối triều Lý. Đến hang Từ hoá mới thấy bà Hồ tả thật đúng là: Trông mõ chứ không khua (xác ông sư ngồi im trước cái mõ), hai tượng ông tướng bụng tròn cầm đao đứng hai bên canh giữ am, chứ không có hai chú tiểu (mà lưng lại tròn là sao nhỉ?) đứng giữ, hay giữa am. Đến hang này đâu đến nỗi chồn chân mỏi gối như vượt đèo Ba dội, qua một đoạn đương đất rồi tới một đoan đá mọc lởm chởm nên vịn vào mó vào nó mới lam nham chứ mó vào nước rỉ thì khó mà lam nham được. Cái hang này đúng thực không bõ để mà ham. Và cũng ở chùa Thầy này bà Hồ đã làm thêm một bài thơ ngắn bất hủ là:

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo

Vị gì một chút tẻo tèo teo

Thuyền Từ cũng muốn về Tây trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo


Thuyền của ông sư Từ nói riêng và của các nhà sư khác nói chung. Nếu thuyền Từ bi của đức Phật thì phải từ Tây trúc ra đi bốn bể để cứu giúp chúng sinh thì có trái gió cũng không bao giờ lộn lèo quay về. Thuyền thì mới có lèo là cái chắc, chứ cái diều làm gì có lèo thì lộn làm sao được. Dân gian vùng này truyền nhau như vậy.


16. Bài Khóc ông phủ Vĩnh tường. Có một vài chữ khác xin ghi:


Trăm năm ông phủ Vĩnh tường ôi

Cái nợ ba sinh đã trả rồi

Chôn chặt công danh (văn chương) ba thước đất

Tung hê lễ nghĩa (hồ thỉ) bốn phương trời

Giọt sương dưới gối còn in đậm

(Cán cân tạo hoá rơi đâu mất)

Hòn máu trên tay chợt toét cười

(Miệng túi càn khôn khép lại rồi)

Hăm bảy tháng trời là mấy chốc

Trăm năm ông phủ Vĩnh tường ôi


Ông phủ này cũng là một loại hiền nhân quân tử đấy chứ. Và cũng vi thế nên các hiền nhân quân tử cùng loại với ông kiểu: Phủ nọ, Phủ kia, Tham nọ, Tham kia, Tiến sỹ, Cử nhân và cả Hầu nọ, Hầu kia, đã sửa bài thơ này biến ông phủ Vĩnh tường thành một anh hùng phảng phất kiểu Từ hải của cụ Nguyễn Du. Này nhé: nào Văn chương, nào hồ thỉ, rồi Cán cân Tạo hoá, mệng túi Càn khôn. Nghe ghê gớm quá. Với tính cách Bà Hồ thì làm sao lại có thể lấy cái loại ông phủ này được, mà lại là làm lẽ nữa cơ chứ? Khá khen cái trò gán ghép tinh vi không kém phần bỉ ổi đó đã làm nhiều người ngộ nhận. Chưa hết đến khi cái ông phủ Vĩnh tưòng nêu ra nhiều người không tin nữa thì lại mượn mầu son phấn khác gán bà cho một cái ông Trần phúc Hiển nào đó, xấu máu ăn của đút để đến nỗi chết trong tù. Theo các cố lão và dân gian vùng phường Khán Xuân xưa, thì bà Hồ làm hộ thơ (theo tục xin chữ, xin văn, thơ nhân dịp quan, hôn, tang, tế,thịnh hành trong những thế kỷ trước của ta) cho người vợ kế trẻ của ông phủ người cùng phường, cạnh nhà bà, là người mà bà đã nghe tiếng khóc chồng và tức cảnh đã làm bài thơ khuyên bằng bốn câu:


Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng

Nín đi kẻo thẹn với non sông

Ai về nhắn nhủ đàn em bé

Xấu máu thì khem miếng đỉnh chung


Cái ông chồng này chắc xấu máu lại không khem miếng đỉnh chung nên đã chết bỏ lại con thơ vợ dại rồi. Bà cũng làm hộ cho người vợ của ông Tổng Cóc, làm hộ cho bà Lang..v..v..